KHỦNG HOẢNG TUỔI LÊN 3
Khi trẻ lên 3 tuổi, trẻ sẽ xuất hiện nguyện vọng được độc lập hay còn gọi là khủng hoảng tuổi lên 3. Đây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của trẻ đến giai đoạn mới. Tuy nhiên, trong giai đoạn này trẻ gặp phải mâu thuẫn giữa cái muốn làm và khả năng có thể làm của trẻ. Trẻ muốn tự mình làm những công việc như người lớn, được độc lập, được tách ra khỏi người lớn nhưng khả năng thì không cho phép. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng trong giai đoạn này ở trẻ.
Trong cuốn “Về nhân cách trẻ 3 tuổi”, nhà tâm lý học V. Keler đã mô tả những biểu hiện thường gặp ở trẻ trong lứa tuổi này:
- Tiêu cực: trẻ thường có biểu hiện không chịu phục tùng một số yêu cầu của người lớn.
- Ngoan cố: trẻ kiên quyết nghiêng về phía sự thoả mãn đòi hỏi của bản thân, sự quyết định của mình.
- Ngang ngạnh: đây là sự phản kháng lại trật tự trong gia đình. Khi không đạt được điều mong muốn, bé phản kháng bằng cách khóc ré lên, mè nheo, lăn ra ăn vạ, đập đầu, đạp tứ tung để đạt được mục đích.
- Tự tiện: là xu hướng giải thoát khỏi người lớn. Trẻ muốn tự mình làm điều gì đó.
- Vô lễ với người lớn: Trẻ có biểu hiện nói trống không hoặc nói hỗn với người lớn.
- Chống đối – nổi loạn: Hiện tượng này xuất hiện trong các cuộc cãi vã thường xuyên với cha mẹ. Tất cả hành vi của trẻ đều thể hiện sự chống đối, dường như trẻ luôn nằm trong trạng thái chiến tranh với người xung quanh, trong trạng thái ẩu đả với người lớn.
- Chuyên quyền: ở những gia đình có độc nhất một trẻ sẽ gặp phải xu hướng chuyên quyền. Trẻ tỏ ra chuyên quyền trong quan hệ với tất cả mọi thứ xung quanh.
Khủng hoảng tuổi lên 3 là một hiện tượng phát triển tâm lí rất bình thường ở trẻ, nó có tính tạm thời, chuyển tiếp và những biểu hiện ấy có thể dần mất đi khi trẻ lớn lên. Vì thế người không nên quá lo lắng sợ trẻ hư. Thay vào đó, chỉ cần hiểu rõ về trẻ, có cách ứng xử khéo léo và giúp trẻ vượt qua giai đoạn này.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÁO DỤC TRẺ TRONG THỜI KỲ KHỦNG HOẢNG LÊN 3 ???
Theo một góc nhìn tích cực nhất, khủng hoảng tuổi lên 3 là cơ hội để cha mẹ điều chỉnh cách dạy con, giúp bé hình thành nền tảng phát triển nhân cách lành mạnh. Sau đây là một số lời khuyên và chỉ dẫn dành cho các bậc phụ huynh có con đang hoặc chuẩn bị bước vào giai đoạn khủng hoảng này:
Thứ nhất: trẻ luôn suy nghĩ mình là trung tâm và mong muốn độc lập khiến trẻ luôn muốn làm theo ý mình. Tuy nhiên, do vốn kinh nghiệm và hiểu biết của trẻ về thế giới xung quanh còn hạn chế cùng với sự nhận thức về các chuẩn mực trong các mối quan hệ của trẻ chưa hoàn thiện, do đó trẻ thường làm “sai”.
► Cách giáo dục: với một số trẻ, việc bị người lớn ngăn cấm sẽ dẫn đến trẻ bướng bỉnh, tỏ thái độ chống đối. Nếu trẻ có những đòi hỏi quá quắt, người lớn cần tỏ thái độ kiên quyết và phải giải thích cho trẻ hiểu lý do vì sao người lớn không chấp nhận ý muốn của trẻ. Không nên cứng nhắc ngăn cấm trẻ cũng không nên chiều theo ý trẻ một cách vô điều kiện.
Thứ hai: trong giai đoạn này, trẻ bắt đầu xuất hiện sự tự ý thức, trẻ ý thức được mình là một con người riêng biệt, trẻ bắt đầu nhận ra “cái tên” và “cái tôi” của mình. Sự tự ý thức ở trẻ còn thể hiện thông qua việc trẻ bắt đầu để ý đến hình dáng bên ngoài của mình. Trẻ muốn tự chọn quần áo cho mình, và đôi khi điều đó không phù hợp với hoàn cảnh hay thời tiết.
► Cách giáo dục: nếu ý muốn của trẻ là đúng đắn thì cha mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ được thực hiện ý muốn của mình, khuyến khích trẻ thực hiện và giúp đỡ trẻ khi trẻ cần. Cha mẹ nên giành thời gian trò chuyện với trẻ để hiểu mong muốn của trẻ, có thể kể chuyện cho trẻ nghe, khi kể chuyện, ba mẹ nên dùng tên bé đặt tên cho nhân vật của truyện, lồng vào đó những đức tính tốt muốn ở trẻ để khuyên bảo trẻ một cách nhẹ nhàng, khéo léo. Hoạt động đóng vai trong giai đoạn này đối với trẻ vô cùng quang trong. Trẻ thích là người lớn, nhưng vốn kinh nghiệm sống chưa đủ để trẻ “ làm người lớn” thật sự. Chỉ có thể cho trẻ vui chơi bằng các trò chơi đóng vai. Vì lúc này trẻ muốn được khẳng định mình, muốn trở thành người lớn nên có thể cho trẻ nhập vào những vai mà trẻ thích như: làm cô giáo, bác sĩ…
Thứ ba: hoạt động với đồ vật giúp trẻ có khả năng tự mình thực hiện một số công việc mà không cần sự giúp đỡ của người lớn. Trẻ đã có khả năng phục vụ bản thân trong một số trường hợp đơn giản.
► Cách giáo dục: người lớn cần tạo cho trẻ cơ hội để trẻ tự phục vụ. Đồng thời cần tin tưởng vào khả năng của trẻ. Quan tâm hướng dẫn trẻ kịp thời để tránh hình thành những thói quen xấu. Nếu đã cho trẻ thực hiện mà trẻ làm sai, hãy hướng dẫn trẻ theo nguyên tắc 3 lần:
- Lần 1: làm mẫu.
- Lần 2: làm mẫu và cùng làm.
- Lần 3: làm với sự quan sát của mẹ.
- cân bằng tâm lý của trẻ trong mùa dịch Covid-19 (17.07.2021)
- "Ú OÀ" - TRÒ CHƠI KÍCH THÍCH SỰ PHÁT TRIỂN NÃO BỘ CHO TRẺ (04.04.2020)
- DẠY CON THEO CÁCH CỦA TỔNG THỐNG OBAMA (04.04.2020)
- NHỮNG SAI LẦM TRONG GIÁO DỤC CON CÁI (04.04.2020)
- TRẺ ĂN VẠ VÀ 8 BƯỚC XỬ LÝ (04.04.2020)
- DẠY CON SỰ TẬP TRUNG (04.04.2020)
- TUYỆT CHIÊU DẠY TRẺ TÍNH KIÊN NHẪN (04.04.2020)
- LỰA CHỌN ĐỒ CHƠI PHÙ HỢP VỚI TỪNG ĐỘ TUỔI (04.04.2020)
- 3 TUỔI - "THỜI ĐIỂM VÀNG" DẠY TRẺ TỰ LẬP (04.04.2020)
- THƠ HAY LUYỆN TRÍ THÔNG MINH (04.04.2020)